Trưng bày “Hà Nội mùa thu năm ấy”: Những ký ức không quên về ngày giải phóng Thủ đô

Trong khuôn khổ chương trình Ký ức mùa thu, kỷ niệm 65 năm ngày giải phóng thủ đô, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long – Hà Nội đã trưng bày chuyên đề “ “Hà Nội mùa thu năm ấy”, giới thiệu khoảng 200 tài liệu, ảnh, hiện vật có giá trị, trong đó kể lại nhiều câu chuyện, hồi ức của các nhân chứng lịch sử trong thời khắc tiếp quản Thủ đô 65 năm trước.

 

Trưng bày hình ảnh những người con thủ đô “ Ra đi giữ trọn lời thề”.

“Ra đi giữ trọn lời thề”, “sống mãi với Thủ đô”, là tinh thần của mỗi người dân Hà Nội, mỗi chiến sỹ Trung đoàn Thủ đô năm ấy, quyết bảo vệ từng mái nhà, góc phố của thủ đô yêu dấu. Khi buộc phải rút khỏi Hà Nội, nhiều người lấy gạch, lấy than viết lên trên tường “Hẹn ngày trở lại, Hà Nội ơi chúng tôi xa, nhớ Hà Nội lắm… hẹn có ngày chiến thắng trở về”.

Được sống và chứng kiến thời khắc lịch sử ấy, những người lính Trung đoàn Thủ đô vẫn nguyên vẹn cảm xúc và những ký ức không thể nào quên.

Ông Đặng Văn Tích, 87 tuổi, nguyên chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô kể lại: “Chúng tôi đi chiến đấu thì nhớ Hà Nội lắm, và thường hát bài Ngày về: “Có đoàn người lên đóng trên rừng sâu. Đêm nay mơ thấy tiến về Hà Nội…”. Hồi đó, chúng tôi đóng quân ở Định Hóa, Thái Nguyên, chúng tôi còn lấy tre, nứa, lá làm thành hình tháp Rùa ở giữa một khu ruộng để ngắm cho đỡ nhớ. Có thể nói là ngày nào, đêm nào, chúng tôi cũng thế, cũng nhớ về Hà Nội”

Ông Phùng Đệ, 87 tuổi chia sẻ tâm trạng đêm xa Hà Nội:“Đêm hôm đi ra tất cả mọi người đều rất buồn , buồn lắm, không ai nghĩ rằng mình ra, lại cứ nghĩ rằng sẵn sàng quyết tử ở Hà Nội cơ, chết ở Hà Nội cũng vinh dự. Không ai muốn ra, nhiều người khóc.Khi buộc phải ra, nhiều người lấy gạch, lấy than viết lên trên tường “Hẹn ngày trở lại, Hà Nội ơi chúng tôi xa nhớ Hà Nội lắm.Hỡi quân xâm lược Pháp chúng tao hẹn có ngày chiến thắng trở về”.”

Bà Lê Thị Lương, 90 tuổi nhớ lại:“Được lệnh rút thì tôi không muốn rút, tôi thích ở lại nhưng không được. Đúng 7h đi qua ngõ Phất Lộc, ngõ đi ra bờ sông, nằm trên đó nhìn lại cả Thủ đô đỏ rực. Lúc bấy giờ những người như tôi khóc vì ra đi thế này không biết bao giờ được về mà hồi bé mình sinh sống ở đây”.

Tham quan trưng bày “ Hà Nội mùa thu năm ấy” (ảnh Minh Quyết)

Hồi ức về Hà Nội ngày trở về, có niềm hạnh phúc của những người con đi xa được trở về nhà, có niềm vui riêng hòa trong niềm vui chung của Thủ đô, của đất nước. Ngày về, hân hoan náo nức trong mỗi người dân và cán bộ tiếp quản.

Trong hồi ức của mình,Trung tướng Phạm Hồng Cư, cán bộ về tiếp quản Thủ đô ngày 10/10/1954 nhớ rõ không khí vui tươi của ngày giải phóng: “Ở nơi nào cũng diễn ra hai cảnh trái ngược: phía đối phương im lìm vắng tanh vắng ngắt, phía quân ta tiếp quản thì sống dậy tưng bừng. Khu vực tiếp quản lan ra đến đâu thì cờ đỏ sao vàng mọc rợp trời, nhân dân mở toang cửa chạy ra đường đón chào bộ đội. Đoàn xe quân giải phóng vừa đến Nhà máy điện Bờ Hồ thì anh chị em công nhân viên chức đã dàn hàng ngang đón sẵn. Một phụ nữ ôm hoa tặng bộ đội, chưa nói được nửa lời nước mắt đã giàn giụa. Mọi người xô ra ôm chầm lấy các chiến sĩ, tay bắt mặt mừng nghẹn ngào xúc động. Sau lúc đón chào bộ đội, mọi người khẩn trương trở lại công việc bảo đảm cho dòng điện Hà Nội luôn thắp sáng”

Đại tá Vũ Kiểm, chiến sĩ tham dự Lễ chào cờ ngày 10/10/1954 thì chia sẻ cảm xúc:“15h chiều ngày 10/10/1954, lúc này đội ngũ đại diện cho các đơn vị đã đứng nghiêm chỉnh chuẩn bị làm lễ chào cờ, chúng tôi là những đơn vị cuối cùng, tôi là người thấp đứng ở cuối hàng quân. Cảm xúc trong giây phút ấy tôi làm nên mấy vần thơ:

“Bao năm xa cách Cột Cờ
Thủ đô giải phóng bây giờ là đây
Nghẹn ngào chào lá cờ bay
Rưng rưng giọt lệ tràn đầy bờ mi
Ngày về nhớ buổi ra đi”

Lễ chào cờ đầu tiên trong ngày Hà Nội được giải phóng đã trở thành một khoảnh khắc lịch sử không thể phai nhòa, một ký ức không bao giờ quên trong tâm trí mỗi cán bộ, chiến sỹ và người dân thủ đô năm ấy.

Trưng bày mở cửa đến 25/12/2019.

Kim Yến

Bài viết cùng chủ đề

Check Also
Close
Back to top button