Vua đời anh minh, vua Phật nhân từ

 Sáng 5/12/2018, nhân kỷ niệm 760 năm ngày sinh (1258) và 710 năm ngày  đức Vua Trần Nhân Tông nhập niết bàn (1308), Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long – Hà Nội đã tổ chức Tọa đàm khoa học “Từ Hoàng cung Thăng Long đến Thánh địa Trúc Lâm – Hành trình từ bậc minh quân đến đức Phật hoàng”. Nhân dịp này, Trung tâm cũng giới thiệu đến công chúng một trưng bày chuyên đề về vai trò của Phật hoàng Trần Nhân Tông trong lịch sử dân tộc và phật giáo, con đường trở thành Phật hoàng của vị vua anh hùng.

 image001Toàn cảnh tọa đàm

Trong lịch sử tồn tại và phát triển của mình,Thăng Long –  Hà Nội đã trải qua bao biến thiên thăng trầm. Dưới thời Trần, Kinh thành Thăng Long tiếp tục được gia cố, xây dựng thêm trên cơ sở từ thời Lý. Trong Hoàng cung, Nhà Trần cũng xây dựng thêm một số cung điện mới như cung Thánh từ, cung Quan triều và nhiều ngôi chùa làm nơi thực hành nghi lễ Phật giáo Hoàng gia. Nhiều dấu tích vật chất, di tích, di vật Thời Trần đã được tìm thấy trong các cuộc khai quật tại khu di sản Hoàng thành Thăng Long.

Yên Tử – Đông Triều là dải đất phên dậu ở phía Đông Bắc của Tổ quốc, một vùng núi non trọng yếu, sơn thủy hữu tình trên dãy hành cung Đông Triều, đã trở thành thánh địa Trúc Lâm.

Đông Triều không chỉ là quê hương của Nhà Trần mà còn trở thành trung tâm tu tập của thiền phái Trúc Lâm với các địa điểm Hồ Thiên, Ngọa Vân, Quỳnh Lâm. Tại đây, các nhà khảo cổ cũng đã phát hiện được những dấu tích kiến trúc và di vật liên quan đến thời Trần.

image002Đầu rồng đất nung, thời Trần, khai quật tại khu di tích Hoàng thành Thăng Long

Hoàng cung Thăng Long và thánh địa Trúc Lâm là những địa danh gắn bó với vị vua anh minh, nhân từ trong hành trình cuộc đời của một đấng minh quân và đức Phật hoàng.

 Vua Trần Nhân Tông là một nhà chính trị, quân sự kiệt xuất, đồng thời cũng là người sáng lập nên Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Vị vua thứ ba của nhà Trần sinh ngày 11/11/1258. Năm 21 tuổi ông được vua cha Trần Thánh Tông nhường ngôi, ở ngôi 15 năm (1278- 1293). Năm 1293, ở tuổi 35, ông nhường ngôi cho con, lui về Thiên Trường làm Thái thượng hoàng, xuất gia tu tập tại hành cung Vũ Lâm (Ninh Bình). Năm 1299, khi vua con (Trần Anh Tông) đủ trưởng thành, Thượng hoàng Trần Nhân Tông chính thức xuất gia tu hành khổ hạnh tại đỉnh Tử Tiêu trên núi Yên Tử.

image003Chùa Vân Tiêu

Trong thời Trần, Thăng Long phải đối mặt với những thử thách cam go khi vó ngựa Nguyên – Mông xâm lược. Quân dân Đại Việt đã ba lần đánh tan giặc Nguyên – Mông. Người hai lần lãnh đạo quân dân đánh tan quân Nguyên là Vua Trần Nhân Tông.

 Vua Trần Nhân Tông cũng đã thiết lập một nền chính trị khoan hòa, lấy dân làm gốc. Chính ngài đã sáng lập dòng Thiền Trúc Lâm Yên Tử, mang đậm dấu ấn tư tưởng Việt Nam, kết nối và tổ chức giới tu hành thành giáo hội thống nhất, xây dựng tư tưởng Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử trở thành Thiền phái độc đáo nhất lịch sử Việt Nam với tinh thần nhập thế, gắn bó với dân tộc.

Nhận xét về vua Trần Nhân Tông, sách Đại Việt sử ký toàn thư đã viết “ Vua nhân từ hòa nhã, cố kết lòng dân, sự nghiệp trung hưng sáng ngời thuở trước, thực là bậc hiền tài của đời Trần”.

image004

Đoàn khảo sát của Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long – Hà Nội tại chùa Ngọa Vân (Đông Triều)

Tại tọa đàm, các nhà khoa học đã tập trung thảo luận, làm rõ một số vấn đề: Khẳng định tài năng chính trị, quân sự, vai trò trung tâm của Vua Trần Nhân Tông trong lịch sử dân tộc, sự phát triển của văn hóa Thăng Long; những kết quả khai quật tại các di tích chùa tháp Trúc Lâm trên địa bàn Đông Triều; những nét đặc sắc của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử; phát huy tinh thần của Thiền phái Trúc Lâm trong đời sống đương đại…

Nhân dịp này, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long – Hà Nội phối hợp Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Quảng Ninh, Bảo tàng Quảng Ninh tổ chức trưng bày chuyên đề “Từ Hoàng cung Thăng Long đến Thánh địa Trúc Lâm – Hành trình từ bậc minh quân đến đức Phật hoàng”. Trưng bày giới thiệu gần 100 hình ảnh, hiện vật, tư liệu liên quan cuộc đời Phật hoàng Trần Nhân Tông nói riêng và Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử nói chung, gồm 3 chủ đề: Từ Hoàng cung Thăng Long đến thánh địa Trúc Lâm; Hoàng đế Trần Nhân Tông – một đấng minh quân, một anh hùng dân tộc; Đức Phật hoàng Trần Nhân Tông.

Trưng bày chuyên đề mở cửa từ ngày 7/12/2018- 28/2/2019.

Kim Yến

 

Bài viết cùng chủ đề

Back to top button